3 Hiểm họa khi dùng thuốc tránh thai làm chậm kinh nguyệt

59

Nhiều phụ nữ đã tìm mọi cách làm chậm kinh nguyệt để có thể vui chơi thoải mái, tắm biển hay tham gia các sự kiện quan trọng. Ngoài những cách như: ăn lá mùi tây, súp đậu lăng, giảm cân,… một biện pháp được chị em lựa chọn phổ biến là dùng thuốc tránh thai hàng ngày. Tuy nhiên, với cách làm này, nếu không cẩn thận, chị em sẽ “lãnh đủ” nhé.

  1. Không phải ai cũng dùng được thuốc tránh thai

Sử dụng thuốc tránh thai tùy tiện sẽ cực kỳ nguy hiểm với những người thuộc nhóm không được dùng như đang có thai hoặc không biết mình có thai.

Và sử dụng thuốc cũng cần thật cẩn trọng với những người có tiền sử các bệnh sau: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý gan, thận, tim mạch, huyết khối tắc mạch, đau nửa đầu hay bị u vú, ung thư vú, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ung thư tử cung, việc sử dụng thuốc cũng cần thật cẩn trọng. Bởi thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như giảm nồng độ hemoglobin, chảy máu tử cung, thiếu máu, suy nhược, ăn không tiêu, mất ngủ, ra khí hư hay đau bụng, cơn co tử cung, tiêu chảy,…

2. Rối loạn chu kỳ vì làm chậm kinh nguyệt

Thực chất hiện tượng kinh nguyệt xuất hiện là do vào cuối vòng kinh, hàm lượng hormone estrogen giảm xuống nên không còn duy trì được nội mạc tử cung khiến lớp này bong ra, gây chảy máu. Từ đầu vòng kinh sau, lượng estrogen lại tăng dần, làm nội mạc tử cung ngừng bong và sẽ không làm xuất hiện máu kinh.

Thuốc tránh thai ngoài cơ chế chung là ngăn sự rụng trứng, làm cho chất nhầy cổ tử cung đặc lại khiến cho tinh trùng khó đi vào tử cung, sử dụng thuốc tránh thai là cách đưa estrogen tổng hợp vào cơ thể và trì hoãn ngày “đèn đỏ” trong suốt thời gian dùng thuốc. Sử dụng loại thuốc này là biện pháp đơn giản để làm chậm kinh nguyệt. Tuy nhiên, khi dùng thuốc tránh thai cần uống mỗi ngày, nếu không quá trình rụng trứng sẽ bắt đầu và việc uống cũng cần đúng một thời điểm trong ngày để tránh rụng trứng, bởi khi trứng đã rụng là không dừng lại.

Hơn nữa, sử dụng thuốc tránh thai để hoãn ngày “đèn đỏ” có thể gây buồn nôn, nôn, đầy bụng, chóng mặt và làm rối loạn nội tiết khiến cho chị em bị rong kinh kéo dài hoặc vô kinh. Rối loạn nội tiết cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú và buồng trứng. Và với những người bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt lâu dài thì việc muốn thụ thai sau này sẽ gặp khó khăn.

Thêm nữa, nếu lạm dụng thuốc tránh thai, không điều khiển được chu kỳ kinh nguyệt theo ý muốn chị em sẽ dễ bị lo âu, mệt mỏi, chán nản, suy nhược cơ thể,…

3. Nguy cơ tắc nghẽn mạch máu

Sử dụng thuốc tránh thai thường xuyên làm chậm kỳ nguyệt san có thể gây ra nguy cơ đông máu, làm tắc nghẽn mạch máu bởi hormone estrogen có trong thuốc tránh thai làm tăng các yếu tố đông máu II, VII, IX và X, làm tăng phân hủy fibrin và gây đông vón tiểu cầu.

Như vậy chị em khi sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày làm chậm kinh nguyệt cần thật chú ý và cũng không nên lạm dụng thuốc để tránh “rước họa vào thân”, đặc biệt là những chị em chưa lập gia đình. Để đảm bảo, chị em nên tham khảo tư vấn của bác sỹ trước khi dùng thuốc.