Nguyên nhân mụn trứng cá thường xuyên “làm loạn”

20

Mụn trứng cá là bệnh về da rất hay gặp ở cả nam giới và nữ giới. Lứa tuổi hay bị mụn trứng cá nhất là lứa tuổi dậy thì. Bệnh trứng cá “hoành hành” mạnh nhất là vào mùa hè khi nhiệt độ tăng quá cao khiến làn da có xu hướng bị kích ứng và tiết ra nhiều dầu.

1. Biểu hiện đa dạng của mụn trứng cá

Mụn trứng cá thường bộc phát sau khi ăn nhiều các loại quả ngọt chứa nhiều đường như: vải, nhãn, xoài…, đồ cay nóng hoặc đôi khi mụn cũng xuất hiện gần các chu kỳ kinh nguyệt.

Ở lứa tuổi dậy thì, thông thường, các mụn trứng cá là mụn đầu đen. Đây là những chồi sừng nhỏ trong các lỗ của tuyến bã, có thể thoát ra ngoài tự nhiên. Ở một số bạn tuổi dậy thì, mụn trứng cá xuất hiện là những chấm nhỏ màu trắng, thường thấy ở má, cằm và có thể bị ngứa, đau khi ta lấy tay đè lên.

Trên thực tế, mụn trứng cá là mụn đầu trắng cũng có thể xuất hiện ở phụ nữ 30-40 tuổi do sự tăng kích tố ở buồng trứng hay tuyến thượng thận, thường là do bệnh đa nang buồng trứng (biểu hiện: rậm lông, không có kinh hay kinh ít, rụng tóc hoặc tăng cân…).

Tuy nhiên, mụn trứng cá có thể do vi khuẩn gây viêm propionibacterium acnes và các yếu tố gây viêm khác làm hình thành các nhân mụn trứng cá. Khi đó các mụn này thường để lại sẹo xấu, thường là sẹo lõm và một số trường hợp bị sẹo quá phát rất khó điều trị. Đó là loại mụn trứng cá bọc, trứng cá mạch lươn…

2. Những yếu tố gây ra mụn trứng cá

Mụn trứng cá thường gặp là dạng thông thường ở lứa tuổi dậy thì. Do ở lứa tuổi này, cơ quan sinh dục phát triển, bài tiết các hormone (nội tiết tố) sinh dục làm tuyến bã ở da mặt hoạt động quá mức dẫn đến nổi mụn. Hormone sinh dục góp phần gây mụn chính là androgen (còn gọi là testosteron, tức hormon sinh dục nam). Tuy nhiên, ở các bé gái và người trưởng thành, thậm chí ở tuổi trung niên, mụn trứng cá vẫn có thể xuất hiện do không có sự cân bằng các hormon sinh dục, hormone androgen hoạt động quá mức.

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng gây nên tình trạng mụn trứng cá là: yếu tố gia đình, do stress hay ánh nắng, tia tử ngoại, độ ẩm không khí cao, ô nhiễm môi trường, do tác dụng phụ của thuốc và đặc biệt tình trạng lạm dụng mỹ phẩm, sử dụng mỹ phẩm không đúng cách.

3. Cách chăm sóc da và chế độ sinh hoạt

Ðể hạn chế tình trạng mụn mọc và viêm da, hàng ngày, chúng ta cần chăm sóc, vệ sinh da sạch sẽ, đặc biệt là sau khi lao động, sau khi da bị bám bụi bẩn.

Vệ sinh da bằng cách rửa mặt bằng nước sạch: Chỉ nên rửa mặt 2 lần trong ngày, không nên chà xát mạnh da mặt mà nên rửa mặt bằng tay. Cùng lúc, bạn có thể xoa bóp da mặt cho mạch máu lưu thông, tuyến bã đỡ bị bít tắc và cũng có tác dụng chống hình thành các vết nhăn, sau đó mới dùng khăn mềm để lau khô.

  • Ðối với da bình thường thì không cần chăm sóc đặc biệt.
  • Ðối với da khô thì cần chú ý không nên dùng các chất tẩy mạnh, không nên dùng nước nóng. Sau khi rửa, bạn có thể thoa một chút kem dưỡng da hoặc kem làm ẩm da.
  • Ðối với da nhờn thì cần phải có chất tẩy rửa cho hết nhờn và có thể cần có sự trợ giúp của các loại sữa rửa mặt.
  • Da hỗn hợp cũng cần dùng sữa rửa mặt để tẩy các chất bã vùng đó. Tẩy trang mặt và dụng cụ trang điểm để hạn chế nguy cơ gây mụn và viêm da.

Khi bị mụn trứng cá, bạn nên tới khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị đúng cách.